Cao tốc Bến Lức - Long Thành sau hơn ba năm ngưng trệ
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, đi qua Long An, TP HCM và Đồng Nai, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng. Khởi công năm 2014, công trình dự kiến hoàn thành sau 5 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án mới đạt khoảng 80% khối lượng, nhiều gói thầu dừng thi công từ năm 2019 do vướng mắc nguồn vốn.
Tuyến cao tốc sử dụng ba nguồn vốn, gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Dự án có 11 gói thầu xây lắp chính.
Công trường cao tốc đoạn giao nhau với quốc lộ 50, huyện Bình Chánh vẫn đang dang dở. Hai cầu dẫn từ tuyến quốc lộ lên cao tốc nằm trơ trọi, nhiều đoạn bêtông xám xịt vì phơi nắng mưa lâu ngày.
Giai đoạn một, cao tốc Bến Lức - Long Thành được xây dựng 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Máy móc, vật liệu thi công nằm ngổn ngang, cỏ dại phủ kín ở đoạn công trường cao tốc giao với quốc lộ 50.
Một bảo vệ tại công trường cho biết việc thi công tại đây đã dừng khoảng ba năm nay, nhiều máy móc, nhân công đã rời đi. "Chúng tôi cứ túc trực ở đây nhưng chưa biết khi nào thi công trở lại", nam bảo vệ nói.
Cầu Phước Khánh (gói thầu J3) bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ, TP HCM và Nhơn Trạch, Đồng Nai. Do không được bố trí vốn, việc thi công cầu đã dừng từ năm 2019 đến nay, khi đã đạt hơn 80% khối lượng. Hiện, công trình đã cơ bản hoàn thành phần cầu dẫn, trụ tháp…
Cầu Phước Khánh một trong hạng mục quan trọng nhất của cao tốc Bến Lức - Long Thành. Khi hoàn thành, đây là cầu cao nhất nước với tĩnh không 55 m, dài hơn 3 km, rộng gần 22 m cho 4 làn xe. Mới đây, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với nhà tài trợ JICA về kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới để tái khởi động công trình này.
Bến Lức - Long Thành là dự án cao tốc lớn nhất phía nam. Khi hoàn thành, tuyến đường giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP HCM.
Mới đây, trả lời cử tri tỉnh Long An về triển khai dự án này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang cùng các bên liên quan tập trung giải quyết vướng mắc về vốn để tái khởi động công trình. Trong khi chờ thực hiện các thủ tục, Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư) đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến năm 2025.